Tổng quan về cổ vật Việt Nam


GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ GIÁ TRỊ CỦA 03 CỔ VẬT VIỆT NAM

Việt Nam là một trong những quốc gia có lịch sử hình thành và phát triển sớm nhất trong khu vực và trên thế giới. Tiến trình lịch sử, văn hóa Việt Nam là sự phát triển liên tục từ thời tiền sử, sơ sử đến lịch sử văn minh Đại Việt qua các triều đại quân chủ cho tới ngày nay. Với lịch sử lâu đời cùng bao thăng trầm, biến đổi đã hình thành và tạo nên một nền văn hóa Việt Nam độc đáo, đặc sắc, có cốt cách riêng, rất phong phú, đa dạng, đã có sự kế thừa và giao lưu với các nền văn hóa khác.

Trong dòng chảy của lịch sử, văn hóa, ông cha ta đã để lại một kho tàng di sản đồ sộ, bên cạnh những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại thì nhiều di vật quý giá cũng đã được giữ gìn, bảo quản, trưng bày phát huy và đã được xếp hạng Bảo vật Quốc gia. Đó chính là những trang sử bằng vật thật, minh chứng sinh động cho lịch sử, văn hóa lâu đời và đa dạng của dân tộc. Vì thế, cổ vật Việt Nam luôn mang chở trong mình những giá trị tiêu biểu của lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kỹ thuật cổ xưa và cả giá trị kinh tế to lớn. Do vậy, từ lâu ở nước ta đã có nhiều người đam mê, thích lưu giữ và thưởng ngoạn cổ vật với các nhà sưu tập rất am tường và hiểu biết về những giá trị của cổ vật. Sưu tầm, tìm hiểu, giữ gìn và trao đổi cổ vật trở thành một thú chơi văn hóa tao nhã, kỳ thú làm mê say những người hiếu cổ. Việc sở hữu những cổ vật độc, lạ, đặc sắc và hiếm quý trở thành nhu cầu, ham muốn, thể hiện đẳng cấp và trình độ của người chơi.

Để đáp ứng nhu cầu và sự đam mê đó, Công ty Cổ phần đấu giá số 5 - Quốc gia, thuộc Tập đoàn NALAF trân trọng giới thiệu bán đấu giá 03 cổ vật Việt Nam đến với công chúng và những người ham thích cổ vật ở trong và ngoài nước. Đó là chiếc bình đồng thuộc văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 2000 năm), là thạp gốm hoa nâu của thời Trần (thế kỷ 13 - 14) và hộp pháp lam Hoàng cung thời Nguyễn (giữa thế kỷ 19). Đây là 03 cổ vật đại diện tiêu biểu cho 03 giai đoạn văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, được lưu giữ và bảo quản trong tình trạng tốt nhất. Đặc biệt, những cổ vật này đã được các cơ quan, các nhà nghiên cứu Khảo cổ học, các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam xem xét, đánh giá và giám định về tính nguyên gốc, xác định những giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kỹ thuật của cổ vật.

- Bình đồng là một hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, đẹp cả về hình dáng lẫn hoa văn trang trí. Bình có thể khối lớn, dáng cao (cao 53,3cm), cân đối, miệng đứng, có nắp hình cầu dẹt, vai xuôi, bụng phình, chân xòe rộng. Toàn thân bình trang trí chấm nổi như da cóc và 5 vành đai ở quanh miệng, cổ và thân, tạo sự chắc chắn cho thân bình. Vai bình trang trí nổi băng hoa văn hình tam giác, hai quai hình chữ U ngược. Chân trổ thủng trang trí hai băng hoa văn: phía trên là đàn hươu, phía dưới là đàn bò nối đuôi nhau.

Nếu như vào giai đoạn sớm của văn hóa Đông Sơn, trên các loại hình dao, rìu, lưỡi qua đồng, chúng ta đã gặp những họa tiết hình hươu được khắc chìm trong những cuộc săn đuổi; hay những họa tiết hình bò được đúc nổi trên lưng trống đồng với những con bò rừng hay bò nhà đã được thuần dưỡng thì ở chiếc bình này, hình hươu, hình bò không còn là những họa tiết khắc vẽ mảnh nét mà đã được đúc rỗng tạo thành khối tượng trông rất sinh động. Nó cho thấy rõ kỹ thuật luyện kim đúc đồng của người nghệ nhân vào giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn đã được nâng cao và điêu luyện hơn. Yếu tố mỹ thuật cũng đã được thay đổi rõ rệt qua sự cảm thụ về họa tiết và khối tượng.

Đây là một cổ vật thuộc dạng quý hiếm, nguyên vẹn, chưa có nhiều trong bảo tàng và các sưu tập tư nhân, rất xứng đáng được lưu giữ, bảo quản và thưởng lãm.

- Thạp gốm hoa nâu là một kiệt tác nghệ thuật, rất tiêu biểu và đặc trưng của đồ gốm men Việt Nam thời Trần, là sự bảo lưu và tiếp nối của thạp đồng thuộc văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ từ hơn ngàn năm trước. Thạp có dáng hình quả nhót, miệng loe bẻ, vai bằng, trang trí nổi băng cánh sen kép, phía dưới là băng vạch ngắn song song cùng 06 mấu quai hình con đỉa. Toàn thân thạp phủ một lớp men màu trắng ngà, rạn, khắc vạch và tô nâu trang trí 3 băng hoa văn: trên cùng là băng cúc hóa rồng, dưới cùng là băng hoa chanh 4 cánh, phần trung tâm của thân thạp là một thế giới sinh động với các họa tiết mô tả hình người, hoa lá và linh vật. Hình người được mô tả những võ sĩ thời Trần, tay cầm kiếm, tay cầm khiên đang hừng hực khí thế xung trận với tinh thần “Sát Thát” giết giặc Nguyên - Mông; rồi khi thắng trận lại có những vũ công cầm hoa, những nhạc công thổi khèn, chơi đàn… ca khúc khải hoàn, tạo nên một quang cảnh vui mừng, nhộn nhịp của một dân tộc anh hùng vừa trải qua 03 cuộc kháng chiến khốc liệt và giành chiến thắng. Những chiến thắng đó lại được tô điểm thêm bởi các họa tiết hoa lá như hoa sen, hoa cúc đan xen với hình người tạo nên một không gian đầy màu sắc. Đặc biệt hình rồng cũng đã được đưa vào trong quang cảnh này, nhưng không phải là sự uy nghi, quyền lực như thường thấy mà lại được thể hiện trong tư thế nhào lộn, như hòa mình vào không khí vui mừng của ngày hội chiến thắng. Bức tranh toàn cảnh xã hội thời Trần sau 03 cuộc kháng chiến oanh liệt đã được nghệ nhân làm gốm khéo léo giới thiệu một cách tinh tế và sinh động trên chiếc thạp này. Ở đó, toát lên Hào khí Đông A qua những binh sĩ, một triết lý sâu xa giữa Đạo và Đời của Phật giáo Trúc lâm thời Trần qua họa tiết hình rồng (đại diện cho Vua - Phật Hoàng), nhạc công, vũ công (đại diện các tầng lớp nhân dân), hoa sen, hoa cúc (thế giới tự nhiên của Phật), tất cả hòa vào nhau tạo thành sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc.

Một bức tranh đặc sắc, một bảo vật đặc sắc, rất xứng đáng để lưu giữ, nghiên cứu và giới thiệu.

- Hộp pháp lam là một bảo vật Hoàng cung trong triều đình Huế, được sử dụng để đựng những đồ dâng, ngự cho vua và Hoàng gia triều Nguyễn. Hộp được làm bằng cốt đồng thau, hình cầu dẹt, gồm hai bộ phận: nắp và thân đế, trong phủ men xanh ngọc, ngoài phủ men lam và vẽ men nhiều màu. Chính giữa phía trên đỉnh nắp trang trí vành hoa văn 8 con dơi chầu quanh bông hoa mẫu đơn mãn khai - thể hiện ngũ phúc, xung quanh nắp và thân trang trí dày đặc hoa mẫu đơn và dây lá. Đáy bằng, phủ men trắng, có 3 chân, vẽ hồi văn kỷ hà.

Theo các nghiên cứu hiện nay cho biết, kỹ nghệ Pháp lam Huế (đồ đồng tráng men) tiếp thu kỹ nghệ Họa pháp lang của Quảng Đông, Trung Quốc. Quảng Đông là cửa ngõ du nhập công nghệ chế tác Họa pháp lang (Émaux hay Painted enamel) vào Trung Hoa. Khác với kỹ nghệ Kháp ti pháp lang (Cloisonné) từ xứ Byzantine du nhập vào Trung Hoa qua ngã Tây Vực theo vó ngựa viễn chinh của quân Mông Cổ, kỹ nghệ Họa pháp lang xuất xứ từ vùng Limoges ở Pháp và vùng Battersea ở Anh, du nhập vào Trung Hoa theo chân các tu sĩ dòng Tên vào cuối thế kỷ 17. Kỹ nghệ này du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng (năm 1827). Bấy giờ, có một nhóm thợ vẽ ở Nội Tạo, cơ quan chuyên việc trang trí trong cung triều Nguyễn, học được nghề làm pháp lam từ Trung Hoa. Sau đó đã lập thành cơ quan chuyên biệt sản xuất đồ pháp lam cho cung đình, đó là Pháp Lam Tượng Cục. Như vậy, có thể nói, đồ pháp lam ở Việt Nam là sản phẩm mang tính địa phương (Huế) cao và trong lịch sử chỉ thời Nguyễn mới sản sinh ra chúng. Sử sách nhà Nguyễn cho biết thời điểm khai sinh kỹ nghệ chế tác pháp lam ở Việt Nam là năm 1827; thịnh hành vào các đời vua Minh Mạng (1820 -1841), Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1848 - 1883); sa sút từ sau thời kỳ tứ nguyệt tam vương và dù được phục hồi, chỉnh đốn dưới triều Đồng Khánh (1885 - 1888) song không phục hưng nổi mà rơi vào thoái trào rồi thất truyền. Như vậy, thời gian tồn tại của kỹ nghệ pháp lam Huế, từ lúc khai sinh đến khi thất truyền, chỉ hơn 60 năm.

Mặc dù không phải là nơi sản sinh ra kỹ nghệ này nhưng qua óc sáng tạo và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cung đình Huế, kỹ nghệ pháp lam Huế đã đạt được trình độ chế tác tinh xảo, mang tính đặc trưng riêng biệt. Nếu có dịp quan sát, ta thấy các đồ pháp lam Trung Hoa và phương Tây bao giờ cũng được làm bằng cốt đồng dày, màu men đậm, sẫm, nét vẽ lớn, khỏe thì với đồ pháp lam Huế, cốt đồng lại mỏng, nhẹ, dễ vận chuyển, màu sắc tươi tắn, hoa văn trang trí dày như gấm nhưng không rối rắm, thể hiện sự tinh tế, khéo léo của các nghệ nhân cung đình Huế. Chiếc hộp này là một ví dụ điển hình.

Như vậy, dù chỉ có 03 cổ vật được giới thiệu lần này, nhưng mỗi cổ vật là một kiệt tác nghệ thuật, là sản phẩm tiêu biểu đại diện cho 03 giai đoạn văn hóa phát triển của hàng ngàn năm lịch sử hào hùng, rất phong phú và đa dạng của dân tộc ta. Những cổ vật đó là sản phẩm của trí tuệ, óc sáng tạo và tài hoa của nghệ nhân các thời. Do vậy, giá trị của các cổ vật này không chỉ gói gọn ở giá trị cổ vật, giá trị mỹ thuật, kỹ thuật hay giá trị kinh tế, mà nó là một giá trị tổng hòa, kết tinh các giá trị của lịch sử, văn hóa, của cốt cách, khí phách dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, văn hóa hun đúc, tạo thành.

Trân trọng!

 

BÌNH ĐỒNG VĂN HÓA ĐÔNG SƠN

(Cách ngày nay 2.000 năm)

            Kích thước bình:   Cao toàn bộ: 53,3cm; Đường kính miệng: 15,7cm;

Đường kính thân: 37cm; Đường kính chân: 34cm.

Bình đồng là một hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, đẹp cả về hình dáng lẫn hoa văn trang trí. Đây là một loại đồ đựng có thể khối và dung tích lớn, dáng cân đối, toàn thân trang trí chấm nổi như da cóc và 5 vành đai ở quanh miệng, cổ và thân, tạo sự chắc chắn cho bình. Vai trang trí nổi băng hoa văn hình tam giác, hai quai hình chữ U ngược. Chân trổ thủng đúc nổi trang trí hai băng hoa văn: phía trên là đàn hươu, phía dưới là đàn bò nối đuôi nhau trông rất sinh động. Điều này cho thấy người nghệ nhân vào giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn đã làm chủ được kỹ thuật luyện kim đúc đồng và nghệ thuật tạo tác hoa văn trang trí cũng rất điêu luyện, thể hiện cảm quan về hình khối rất mạnh mẽ.

Đây là một cổ vật thuộc dạng quý hiếm, nguyên vẹn, có thể khối vào loại lớn nhất trong số các đồ đồng cùng loại thuộc văn hóa Đông Sơn, rất xứng đáng được lưu giữ, bảo quản và thưởng lãm.

                                                                       PGS.TS. BÙI VĂN LIÊM

                                                         Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia

                                                Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam

 

THẠP GỐM HOA NÂU THỜI TRẦN

(Thế kỷ 13 - 14)

Kích thước thạp:   Cao toàn bộ: 39,9cm; Đường kính miệng: 22,7cm;

Đường kính đáy: 20,5cm

Đây là một kiệt tác nghệ thuật, rất tiêu biểu và đặc trưng của đồ gốm men Việt Nam thời Trần. Thạp có dáng hình quả nhót, miệng loe bẻ, vai bằng, trang trí nổi băng cánh sen kép, phía dưới là băng vạch ngắn song song cùng 06 mấu quai hình con đỉa. Toàn thân thạp phủ một lớp men màu trắng ngà, rạn, khắc vạch và tô nâu trang trí 3 băng hoa văn: trên là băng hoa cúc hóa rồng, dưới là băng hoa chanh 4 cánh. Phần trung tâm của thạp là một bức tranh toàn cảnh xã hội thời Trần sau 03 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông và giành chiến thắng oanh liệt, đã được nghệ nhân làm gốm khéo léo giới thiệu một cách tinh tế và sinh động. Ở đó, toát lên Hào khí Đông A qua họa tiết những binh sĩ thời Trần, tay cầm kiếm, tay cầm khiên đang hừng hực khí thế xung trận với tinh thần “Sát Thát” giết giặc Nguyên - Mông; Ở đó có một triết lý sâu xa giữa Đạo và Đời của Phật giáo Trúc lâm thời Trần qua họa tiết hình rồng uốn lượn (đại diện cho Vua - Phật Hoàng) với những nhạc công, vũ công (đại diện các tầng lớp nhân dân) cùng hoa sen, hoa cúc (thế giới tự nhiên của Phật), tất cả hòa vào nhau trong không khí vui mừng của ngày hội chiến thắng và cũng thể hiện được sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc.

Thạp gốm này là một bảo vật đặc sắc, quý hiêm và rất xứng đáng được sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu và chiêm ngưỡng.

                                                                    

                                                                TS. PHẠM QUỐC QUÂN

                                                     Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia

                                    Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật, Bộ VH,TT&DL

                                       Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

 

HỘP PHÁP LAM HOÀNG CUNG TRIỀU NGUYỄN

(Giữa thế kỷ 19)

          Kích thước hộp: Đường kính: 36,5cm; Cao toàn bộ: 10,5cm

Hộp pháp lam là một bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn trong cung đình Huế, được sử dụng để đựng những đồ dâng, ngự cho vua và Hoàng gia. Hộp được làm bằng cốt đồng thau, hình cầu dẹt, gồm hai bộ phận: nắp và thân đế, trong phủ men xanh ngọc, ngoài phủ men lam và vẽ men nhiều màu. Chính giữa phía trên đỉnh nắp trang trí vành hoa văn 8 con dơi chầu quanh bông hoa mẫu đơn mãn khai - thể hiện ngũ phúc, xung quanh nắp và thân trang trí dày đặc hoa mẫu đơn và dây lá. Đáy bằng, phủ men trắng, có 3 chân, vẽ hồi văn kỷ hà.

Mặc dù được du nhập vào Việt Nam trong giai đoạn muộn - năm 1827 thời vua Minh Mạng, và chỉ tồn tại trong vòng 60 năm, từ thời vua Minh Mạng đến thời vua Đồng Khánh (1885 - 1888), nhưng qua óc sáng tạo và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cung đình Huế ở Pháp lam Tượng Cục, kỹ nghệ pháp lam Huế đã đạt được trình độ chế tác tinh xảo, mang đặc trưng riêng biệt, khác hẳn với những đồ pháp lam của Trung Quốc hay ở vùng Limoges ở Pháp, vùng Battersea ở Anh - nơi sản sinh ra kỹ nghệ này. Cốt đồng của đồ pháp lam Huế mỏng, nhẹ hơn những đồ pháp lam ở những nơi đó, nhưng màu sắc lại tươi tắn, hoa văn trang trí dày, mảnh như gấm nhưng không rối rắm, rất tinh tế và khéo léo.

Chiếc hộp này là một cổ vật tiêu biểu, điển hình cho kỹ nghệ pháp lam Huế, rất xứng đáng được gìn giữ và thưởng ngoạn.

                                                                    TS. VŨ QUỐC HIỀN

                                                               Hội Khảo cổ học Việt Nam

                                   Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia